The connector manager – hình mẫu lãnh đạo lý tưởng để phát triển nhân viên
- Người viết: info@haraup.com lúc
- Phát triển bản thân
Nhân viên có năng suất làm việc 28% hiệu quả hơn dưới sự dẫn dắt của những người này – Connector Manager ( CM ). Động lực làm việc và mức độ gắn kết với doanh nghiệp của họ cũng có sự gia tăng lần lượt ở mức 38% và 40%.
CM là nhóm người duy nhất không bị tác động bởi những quan niệm sai lầm trong việc đào tạo nhân viên. Họ không cố gắng hỗ trợ tất cả mọi người với vốn kiến thức hữu hạn của mình, thay vào đó tập trung vào phát triển 3 mối quan hệ cốt lõi để nhân viên có thể phát triển năng lực hiệu quả nhất.
Chúng bao gồm:
Mối quan hệ cá nhân
Là mối quan hệ được các CM đầu tư nhiều thời gian và công sức nhất để xây dựng. Mục tiêu trong mối quan hệ này với nhà quản lý là xây dựng lòng tin với đội ngũ nhân viên, qua đó khai thác và xác định được chính xác nhu cầu, sở thích và nguyện vọng của từng cá nhân.
Cách tiếp cận vấn đề của các CM ở đây không tập trung chi tiết vào công việc và nhiệm vụ cụ thể nữa. Thay vào đó, yếu tố hàng đầu được họ để mắt đến chính là nhân sự và định hướng phát triển của họ. Bởi trên thực tế, nhiều nhân viên còn đang không hài lòng với chính công việc hiện tại, thì làm sao họ có thể lấy động lực để phát triển từ chúng được?
Sau khi xây dựng và thu hoạch được những kết quả có lợi từ các mối quan hệ với nhân viên, CM sẽ không trực tiếp nhúng tay vào công việc của từng người nữa. Thay vào đó, họ có trọng trách sắp xếp và phân bổ những nhiệm vụ phù hợp để nhân sự có thể chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển ngay trong quá trình làm việc.
Mối quan hệ nhóm
Dựa trên nền tảng thông tin về năng lực của nhân viên, CM sẽ sắp xếp và phân bổ họ vào những đội nhóm làm việc phù hợp để tất cả mọi người có thể phát triển theo định hướng mình mong muốn.
Môi trường và văn hóa nhóm được xây dựng hoàn toàn dựa trên sự tin tưởng và nhu cầu của từng cá nhân. Mỗi nhân viên đều được khuyến khích chia sẻ những điểm mạnh, yếu của bản thân, qua đó tìm kiếm sự góp ý và tương trợ từ chính những đồng nghiệp có năng lực tương thích.
Mô hình quan hệ nhóm này đang minh chứng được giá trị của mình, khi trong thực tế khảo nghiệm, có tới ¼ nhân viên thường xuyên tìm kiếm sự giúp đỡ đến từ các đồng nghiệp chứ không phải cấp trên. Hơn nữa, với độ tùy biến về năng lực và số lượng nhân sự trong nhóm, nhà quản lý hoàn toàn có thể lợi dụng hình thức này như một kênh đào tạo nội bộ hiệu quả mà không phải tốn thêm bất cứ chi phí gia tăng nào!
Mối quan hệ tổ chức
Nhiều trường hợp, khi các đội nhóm và tổ chức làm việc quá nhỏ bé, không sở hữu đủ nguồn lực tri thức cần thiết để chia sẻ, hỗ trợ nhau làm việc, các CM sẽ buộc phải xây dựng các mối quan hệ bên ngoài để thúc đẩy khả năng phát triển nội bộ. Ngoài việc tự tìm kiếm, họ cũng có thể tận dụng chính mối quan hệ cá nhân của mỗi nhân viên để khai thác thêm tài nguyên cần thiết cho đội nhóm và doanh nghiệp.
Nhìn chung, các mối quan hệ được CM ưu tiên là những cá nhân, doanh nghiệp làm việc trong cùng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động với tổ chức, có thể đáp ứng được nhu cầu tương hỗ cần thiết khi được yêu cầu.
Việc xây dựng được những mối quan hệ mang tính kết nối tổ chức với tổ chức sẽ không chỉ tạo ra nguồn đào tạo tri thức và kỹ năng dồi dào cho đội ngũ nhân viên, mà đồng thời còn đem lại các góc nhìn mới lạ về cách tiếp cận công việc đứng trên phương diện doanh nghiệp. Do vậy, chúng sẽ là cơ hội để cả nhân viên và tổ chức mở khóa bánh đà hội nhập, khai thông những cơ hội phát triển chưa từng có cho bản thân.
Với khả năng xây dựng và hoàn thiện 3 mối quan hệ trên, CM không chỉ dễ dàng hỗ trợ nhân viên phát triển năng lực cá nhân, mà đồng thời còn đem tới sự gia cố nhất định cho cấu trúc vận hành của cả bộ máy doanh nghiệp!
7 dấu hiệu để nhận biết một Connector Manager trong doanh nghiệp
Tuy mang lại nhiều lợi thế trong hoạt động đào tạo và phát triển nhân sự trong doanh nghiệp, những các CM lại chưa giành được sự quan tâm cần thiết, thậm chí là mất hút trong hàng chục, hàng trăm các nhà quản lý khác.
Vậy doanh nghiệp phải làm cách nào để có thể nhận diện được một nhân tố Connector và trao quyền chủ động hơn cho họ? Hãy cùng tham khảo ngay 7 dấu hiệu dưới đây để có ngay cho mình câu trả lời:
1. Connector Manager luôn cởi mở và thẳng thắn khi đối diện với nhân viên
CM là những người luôn tôn trọng sự thật trong bất kể tình huống nào, cũng như sẵn sàng đưa ra những góp ý mang tính chất năng tay cho nhân viên. Tuy nhiên, mọi nhận xét hay phản hồi của họ đều không nhắm đến những kết quả, thất bại trong quá khứ mà chỉ tập trung vào mục tiêu phát triển, định hướng nhân viên trong tương lai.
2. Connector Manager luôn sẵn sàng đón nhận phản hồi từ những người khác
Hầu hết nhân viên đều khá rụt rè khi góp ý cho cấp quản lý, một số còn nói tránh đi những suy nghĩ thực tế của mình để tránh bị cấp trên xét nét. Nhưng đối với các CM họ hoàn toàn không bận tâm khi được các nhân sự cấp dưới phản hồi, thậm chí còn coi chúng như là động lực để phát triển bản thân.
3. Connector Manager biết cách trung hòa sự khác biệt giữa các thành viên trong nhóm
Thay vì việc định hình nhóm làm việc một màu, theo sở thích cá nhân, các CM luôn khuyến khích nhân viên thể hiện sự khác biệt trong chuyên môn, quan điểm và phong cách làm việc của mình. Điều này sẽ giúp đội ngũ làm việc dễ dàng thích ứng hơn với các nhiệm vụ mới lạ, đồng thời sở hữu khả năng sáng tạo nhóm vượt trội so với các nhóm được xây dựng với các thành viên có quá nhiều điểm tương đồng.
4. Connector Manager thúc đẩy nhân viên hỗ trợ nhau làm việc
Trái với những nhà quản lý thông thường – thường tìm cách thúc đẩy từng nhân viên làm việc một, gây tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức, các CM sẽ trao quyền cho từng thành viên trong nhóm để họ hỗ trợ lẫn nhau. Họ xây dựng văn hóa chia sẻ, trao đổi và học hỏi trong nội bộ, khuyến khích nhân viên tự tìm kiếm sự giúp đỡ từ những đồng nghiệp xung quanh khi cần thiết.
5. Connector Manager đánh giá thành công của tập thể quan trọng như thành công của chính bản thân
Một tình huống rất thường xuyên xảy ra là khi các nhà quản lý khi quá tập trung vào thành tựu cá nhân, họ rất có thể sẽ lãng quên đi mục tiêu then chốt của cả nhóm. CM là những người miễn nhiễm với vấn đề này, khi luôn làm việc với tâm thế đánh giá thành công của tập thể quan trọng như thành công của chính bản thân. Họ luôn sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân để đóng góp, giúp nhân viên và đội nhóm của mình hoàn thiện hơn.
6. Connector Manager không ngại phải đảm nhận những trách nhiệm mới
Các nhà quản lý đôi khi chỉ chơi những ván bài an toàn: tập trung vào công việc thế mạnh và lảng tránh nhiệm vụ mới. Tuy chúng có lợi cho họ trong thời điểm hiện tại, khi giúp đảm bảo yêu cầu công việc và KPI, nhưng về lâu về dài, chúng không đem lại những mối quan hệ và phát triển công việc tương xứng.
CM, với suy nghĩ không ngại khó, ngại khổ, luôn sẵn sàng đảm nhiệm những nhiệm vụ không hề nằm trong vùng an toàn của họ. Tâm thế trong công việc của họ là luôn muốn tạo ra những giá trị có tác động lớn lên cả tổ chức, đội nhóm và chính bản thân mình.
7. Connector Manager có thể linh hoạt xây dựng các mối quan hệ trong và ngoài tổ chức
CM là những người thường xuyên đóng vai trò kết nối nhân viên của mình với phần còn lại của tổ chức, qua việc xây dựng những buổi chia sẻ kiến thức hay hình thành các nhóm cộng tác làm việc liên chức năng. Nhân viên dưới quyền các CM có cơ hội rất lớn để trải nghiệm những công việc mới mẻ, nhờ vậy trau dồi cho bản thân được các bộ kiến thức, kỹ năng toàn diện hơn.
Không chỉ dừng lại trong phạm vi tổ chức, CM còn chủ động tìm kiếm những mối quan hệ bên ngoài để tạo lợi thế cạnh tranh và tương hỗ cho tổ chức. Các mối quan hệ được CM ưu tiên kết nối thường là những cá nhân, đơn vị hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề, đồng thời sở hữu nhu cầu phát triển tương đồng với doanh nghiệp.
Bài viết rất hay được viết bởi team Base Việt Nam
Chúc bạn thành công