Học được gì từ mô hình kinh doanh mở cửa hàng Circle K
- Người viết: VÕ THỊ BÍCH PHƯƠNG lúc
- Phát triển kinh doanh
1. Tổng quan về mô hình kinh doanh của Circle K
1.1 Lịch sử hình thành
Circle K là thương hiệu bán lẻ lớn nhất trong thị trường cửa hàng tiện lợi thương hiệu nước ngoài. Circle K sở hữu đến 400 cửa hàng, chủ yếu tập trung tại hai thành phố là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Circle K ra mắt tại Việt Nam cuối năm 2008, chuỗi cửa hàng tiện lợi từ Mỹ đã dần thân thuộc với gen Z hay Millennials. Người dùng chỉ cần mua 1 sản phẩm bất kỳ là sẽ có không gian để ngồi làm việc. Cửa hàng cung cấp đầy đủ wifi, điều hòa, đồ ăn.
Circle K đã đạt quy mô doanh thu hơn 2.300 tỷ đồng trong vòng 10 năm có mặt ở Việt Nam. Trung bình tốc độ tăng trưởng của Circle K là 20% – 30%/năm. Biên lợi nhuận gộp vượt 31%, đây là con số ấn tượng trong ngành bán lẻ nói chung. Sự thành công từ mô hình kinh doanh mở cửa hàng Circle K được đánh giá trên các tiêu chí: phong cách hiện đại, trẻ trung, năng động, thiết kế hợp xu hướng và cung cấp các sản phẩm/dịch vụ ăn uống độc đáo. Giá bán phù hợp, dịch vụ tiện ích, thân thiện và nhanh chóng.
1.2 Mô hình tổng quan của cửa hàng Circle K
- Đối tượng khách hàng của Circle K:
Circle K phục vụ các đối tượng khách hàng thông qua mạng lưới cửa hàng tiện lợi. Nhóm người tiêu dùng thuộc các nhóm nhân khẩu học:
Khu vực thành thị: những người sống ở đô thị hay các thành phố lớn, những người tiêu dùng này thích sự tiện lợi và nhanh chóng khi sử dụng dịch vụ mua sắm tại cửa hàng Circle K.
Nhóm người đi làm: Đây là nhóm người có ít thời gian để đi mua sắm tại chợ truyền thống, các siêu thị hoặc cửa hàng khác. Nhóm người đi làm giờ hành chính không có thời gian để đi mua đồ và nấu ăn; họ chọn ăn đồ ăn nhẹ, uống cà phê và mua sắm thực phẩm của các cửa hàng tiện lợi tương tự như Circle K.
Nhóm sinh viên và học sinh: Đây là khách hàng mục tiêu có những người tiêu dùng trẻ hơn, nhóm khách hàng này thường tận dụng không gian tại Circle K để học tập, gặp mặt bạn bè, ngồi la cà.
- Giá trị thương hiệu Circle K mang lại là:
Danh tiếng của thương hiệu: Thương hiệu cửa hàng tiện lợi dễ nhận biết và được người dùng ưa chuộng nhất trên thế giới; Circle K là một nhà kinh doanh bán lẻ tin cậy từ những năm 1950.
Tiện lợi và phổ biến rộng rãi: Circle K bố trí các cửa hàng bán lẻ ở khắp mọi nơi; gần các khu vực đông dân cư, nhóm khách hàng mục tiêu để đảm bảo các cửa hàng dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng.
Dịch vụ khách hàng: Cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tuyệt vời, thân thiện. Luôn hướng đến việc đem lại cho khách hàng trải nghiệm mua sắm hài lòng, thú vị.
Phạm vi sản phẩm: Ở Circle K cung cấp đa dạng nhiều loại sản phẩm: thực phẩm khô, đồ uống, đồ ăn nhẹ, các loại thực phẩm tươi sống, cà phê; mặt hàng đồ gia dụng cơ bản, các sản phẩm thiết yếu khác.
- Về các đối tác và nguồn sản phẩm:
Circle K hợp tác chặt chẽ với mạng lưới các công ty, tổ chức đối tác trên hầu hết các thị trường hoạt động. Các đối tác bao gồm:
Nhà cung cấp: Những nhà cung cấp thực phẩm tươi sống, sản phẩm đồ ăn nhẹ và đồ uống, cà phe, hàng tiêu dùng, các sản phẩm nhiên liệu, hàng hóa khác.
Các đối tác nhượng quyền: Các doanh nghiệp thương mại khác nhau như chủ sở hữu doanh nghiệp, tổ chức điều hành cửa hàng tiện lợi thương hiệu Circle K.
Đối tác dịch vụ: Các công ty cung cấp dịch vụ thay cho Circle K như các ngân hàng, các bên cung cấp dịch vụ tín dụng khác.
Các đối tác tiếp thị, xây dựng thương hiệu: Các thương hiệu, công ty hợp tác với Circle K nhằm mục đích phát triển chiến lược marketing, lập kế hoạch kinh doanh cho doanh nghiệp.
Đối tác chiến lược: Các doanh nghiệp và tổ chức thương mại công ty hợp tác với nhau phát triển kinh doanh chiến lược, tiếp thị, dự án kinh doanh khác.
- Cơ cấu và chi phí điều hành:
Circle K chịu trách nhiệm với các chi phí liên quan mua sắm các dịch vụ của bên thứ ba, mua nhiên liệu và hàng hóa để vận hành và duy trì hoạt động của các cửa hàng. Các chi phí đó bao gồm chi phí sử dụng và chi phí tiện ích, quản lý cơ sở hạ tầng, phân phối và hậu cần, phát triển và bảo trì các cửa hàng trực tuyến, bảo trì cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Việc lên kế hoạch, thực hiện các chiến dịch tiếp thị, chiến dịch quảng cáo, trả lương, trả phúc lợi cho nhân viên hay quản lý các mối quan hệ đối tác của công ty cũng do Circle K chi trả.
Các nguồn lực chính của công ty là thương hiệu nổi tiếng và tài sản trí tuệ. Sản phẩm và danh sách hàng tồn kho; chuỗi cung ứng đa dạng và cơ sở hạ tầng phân phối; mạng lưới các đối tác, mạng lưới các cửa hàng bán lẻ thực tế và nguồn nhân sự của Công ty.
Chìa khóa quan trọng nhất của Circle K là các sản phẩm được cung cấp; mạng lưới cửa hàng bán lẻ phủ rộng, hợp tác với các công ty mẹ với số lượng hơn 16.000 trên khắp Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á Thái Bình Dương.
2. Học tập từ chiến lược kinh doanh thành công của Circle K
2.1 Thiết kế cửa hàng đồng bộ, đa dạng diện tích mặt bằng
Ngay khi đến Việt Nam, ông Tony Yan – Tổng giám đốc Hệ thống Circle K đã chia sẻ về chiến lược mở rộng đầu tư tại đây: “Kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam sẽ không thể thành công nếu không cung cấp chỗ ngồi”
Khoảng thời gian từ năm 2012 – 2014, các cửa hàng Circle K với diện tích khoảng 25 m2 – 50 m2 ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kinh doanh với mục đích duy trì thương hiệu. Trong lúc đó, quy mô những cửa hàng với diện tích 120 m2 ở gần văn phòng, trường học hoặc các khu dân cư cũng dần được mở rộng. Chiến lược kinh doanh “tạo điểm đến” của Circle K đã đưa hình ảnh cửa hàng tiện lợi trở thành sự kết hợp giữa cửa hàng đồ ăn nhanh và quán cà phê. Xu hướng trong nhiều năm tới của Circle K cũng là tập trung phát triển số lượng cửa hàng quy mô diện tích 100m2 – 120 m2 để có không gian cho khách hàng ngồi. Xây dựng cửa hàng hình thành điểm đến quen thuộc của người Việt. Đây chính là chiến lược kinh doanh thông minh thành công mà Circle K đã áp dụng.
2.2 Tạo thói quen tiêu dùng mới 3P – Patience
Ông Tony Yan đã chia sẻ với nhân viên bí quyết khi muốn phát triển ở Việt Nam là: Tạo thói quen 3P (Patience – “kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn”). Tất cả nhân viên phải luôn giữ tâm thế làm việc của mô hình cửa hàng tiện lợi: “làm việc 24 giờ mỗi ngày”. Đây là chiến lược kinh doanh mà ông Tony Yan đã áp dụng trong thời gian hơn 7 năm điều hành hệ thống cửa hàng Circle K tại Việt Nam. Kiên nhẫn phục vụ khách hàng sẽ mang lại trải nghiệm mua sắm cho khách hàng khi họ sử dụng dịch vụ tại Circle K. Luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu, tư vấn, giải đáp cho khách hàng.
3. Những mặt hàng tại cửa hàng Circle K
3.1 Hàng hoá tại cửa hàng
Circle K là chuỗi cửa hàng quốc tế nên ở đây cung cấp đa dạng các mặt hàng với nhiều mẫu mã, hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Số lượng các loại nước uống đóng chai, nước uống pha sẵn như cà phê, trà chanh, bia, rượu, đủ các loại mẫu bánh kẹo, snack, thức ăn nhanh. Đồng thời, các mặt hàng dụng cụ thiết yếu, văn phòng phẩm cũng được trưng bày bán để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng tốt nhất có thể.
3.2 Dịch vụ chuỗi Circle K cung cấp
Ngoài cung cấp các loại mặt hàng thiết yếu hàng ngày, Circle K cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng bằng nhiều cách:
- Thanh toán đa phương thức như thẻ thẻ ghi nợ nội địa, Visa, Mastercard, Amex, Dinner club, JCB. Circle K hỗ trợ hình thức thanh toán đa dạng khác giúp trải nghiệm mua sắm của khách hàng trở nên nhanh chóng, đơn giản hơn.
- Thẻ cào điện thoại của Vinaphone, Vietnammobile, Viettel, Mobifone, Gmoblie với đầy đủ mệnh giá từ 10.000, 20.000, 50.000, 100.000, 200.000, 500.000 VNĐ.
- Thẻ game: Circle K cung cấp các loại thẻ game trả trước với các mệnh giá khác nhau của các trò chơi phổ biến như: Garena, Vcoin, VNG, OnCash, Gate FPT.
- Dịch vụ giặt ủi: Chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K cũng cung cấp dịch vụ giặt là 24/7 nhưng chỉ ở một vài địa điểm. Bạn không có thời gian giặt áo quần và không thể đến lấy đồ sau khi đi giặt ở tiệm giặt là? Circle K có dịch vụ giao đồ tận nhà cho những khách hàng không có thời gian đến lấy.
- Không gian, điều hòa, ánh sáng đầy đủ để khách hàng có thể nghỉ ngơi, làm việc và học tập. Khác với mô hình cửa hàng tạp hóa truyền thống, người tiêu dùng có thể mua đồ ăn uống và sử dụng ngay tại chỗ.
4. Bài học thành công cho các cửa tiệm tạp hoá, tiêu dùng tại Việt Nam
4.1 Mở cửa hàng Circle K nhượng quyền có được không?
Trước khi tìm chính sách nhượng quyền Circle K thì chúng ta cùng tìm hiểu Circle K có cho phép nhượng quyền hay không? Circle K là thương hiệu cửa hàng tiện lợi lâu đời trên toàn thế giới với số lượng hơn 16.000 cửa hàng tại Mỹ, Đan Mạch, Canada, Hồng Kông, Indonesia,… Đối với mỗi quốc gia, Circle K đều có đội ngũ vận hành bởi một công ty riêng đại diện ở thị trường đó.
- Ở Việt Nam năm 2018, Công ty TNHH Vòng Tròn Đỏ đã được thành lập và trở thành công ty vận hành Circle K duy nhất ở Việt Nam. Chi phí nhượng quyền kinh doanh cửa hàng Circle K là 25.000 đô. Tổng chi phí đầu tư để mở cửa hàng và vận hành nhượng quyền thương mại khoảng 171.000 đô đến 1.900.000 đô. Phí bản quyền là 4,5% tổng doanh thu được trả cho công ty và những người được nhượng quyền từ bỏ tài trợ sẽ được trả lại khoảng 3,7% doanh thu.
Ở Việt Nam hiện tại chưa có chính sách mua nhượng quyền cửa hàng Circle K theo hình thức riêng lẻ.
4.2 Tự kinh doanh cửa hàng tiện lợi
Chúng ta có thể học được gì từ việc tự kinh doanh cửa hàng Circle K đã thành công?
Đầu tiên, để mở cửa hàng tiện lợi thu hút khách hàng thì các bạn phải cần xác định khách hàng mục tiêu. Sở dĩ Circle K thành công trên thế giới vì họ xác định đúng danh sách khách hàng. Đối tượng khách hàng giúp cửa hàng xác định danh sách mặt hàng kinh doanh, sử dụng nguồn vốn đầu tư đúng chỗ, đúng nơi. Khách hàng mục tiêu của Circle K là thế hệ Z hay Millennials.
- Nếu muốn mở cửa hàng tiện lợi tượng tự như Circle K thì trước hết bạn cần xác định nhóm đối tượng khách hàng mà cửa hàng muốn kinh doanh. Sau đó lập danh mục hàng hóa cần mua để trưng bày lên kệ bán. Việc nhập hàng đúng loại sẽ tiết kiệm chi phí, tránh rủi ro hàng tồn kho, hư hỏng,…
- Chọn mặt bằng phù hợp là điều tiên quyết khi kinh doanh bất cứ mặt hàng bán lẻ nào. Đối với kinh doanh mặt hàng tiêu dùng, vị trí quyết định đến 60 – 70% sự thành công. Khi bạn muốn mở một cửa hàng tương tự như cửa hàng tiện lợi Circle K thì nên chọn thuê mặt bằng với diện tích tối thiểu là 50m2 để bảo đảm không gian để hàng hóa và không gian cho khách hàng ngồi nghỉ ngơi, làm việc.
- Vị trí mặt bằng tại khu trung tâm, gần đường lớn, có thể chọn ở những khu vực ngã tư ngã ba, gần các văn phòng làm việc, trường học, bệnh viện, khu dân cư. Không gian mặt bằng có mái che, diện tích để khách có thể để xe, tầm nhìn từ cửa hàng không bị khuất, dễ nhìn thấy bảng biển tên cửa hàng, lối vào thuận tiện,…
- Khi thuê mặt bằng thì bạn cũng cần chú ý việc thương lượng với chủ nhà hợp đồng thuê tối thiểu là thời gian 5 năm, vấn đề tăng giá, bồi thường nếu vi phạm hợp đồng, thời hạn gia hạn. Chi phí để thuê cửa hàng tại khu vực thành phố hiện nay khoảng 15.000.000 VNĐ – 40.000.000 VNĐ.
- Tìm kiếm nguồn hàng thích hợp. Bạn cần tìm kiếm các nhà cung cấp và các đối tác phù hợp và nhập hàng hóa chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng và tính đa dạng của nguồn hàng. Người tiêu dùng ngày nay có rất nhiều lựa chọn để mua sắm như tạp hóa, chợ truyền thống, siêu thị tiện lợi, mua sắm online tại các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội… Vì vậy, nguồn hàng chất lượng ổn định, giá cả phù hợp và cung cấp dịch vụ trải nghiệm tốt thì khách hàng sẽ quay lại vào những lần sau. Chủ cửa hàng có thể chọn đơn vị cung cấp hàng hóa từ các đại lý hay các nhà phân phối để tránh việc chịu áp lực của doanh số bán hàng, số lượng hàng hóa phải nhập trong tháng. Hầu hết các đại lý sẽ miễn phí vận chuyển, cho phép đổi trả hàng hóa và có nhiều chính sách ưu đãi khuyến mại cho những cửa hàng nhập hàng.
- Đầu tư trang thiết bị cho cửa hàng. Ngoài hàng hóa đảm bảo chất lượng thì không gian cửa hàng cũng cần đầu tư sáng sủa, sạch sẽ, thoáng đãng. Các kệ hàng cần sắp xếp và trưng bày gọn gàng, sạch sẽ, đúng các loại danh mục sản phẩm. Sử dụng các thiết bị hỗ trợ bán hàng như giá kệ, quầy thu ngân, rổ hoặc túi xách siêu thị, phần mềm bán hàng, máy POS,…
- Thuê nhân viên nhiệt tình, chu đáo, cẩn thận. Nhân viên bán hàng là người trực tiếp tiếp xúc và tương tác với khách hàng. Đội ngũ nhân viên cần thân thiện, nhiệt tình và sẵn sàng giải đáp, tư vấn cho khách hàng nếu cần thiết. Khi được phục vụ tốt và trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng tuyệt vời thì tỷ lệ quay lại sẽ rất cao.
- Trên đây là bài viết chia sẻ kinh nghiệm học được gì từ mô hình kinh doanh mở cửa hàng Circle K. Hy vọng các bạn đã nắm rõ thông tin và rút ra những bài học quý giá từ Circle K. Chúc các bạn kinh doanh thành công. Cảm ơn các bạn đã đọc!
Vượt Ngưỡng mỗi ngày !