“Làm sao để luôn có tiền?” là câu hỏi đầu tiên của hầu hết mọi người khi lần đầu muốn quản lý tài chính cá nhân.
Trong bài viết này, Tú sẽ chia sẻ với bạn tại sao cách để giải quyết chuyện ‘thiếu tiền’ hiện nay là không hiệu quả. Và bạn cần làm gì để đảm bảo luôn có tiền trong túi, và bước đầu xây dựng nên độc lập tài chính cho mình.
Làm sao để luôn có tiền? – Câu trả lời của hiện tại là…
Khi chuẩn bị ra trường, hay chuẩn bị có công việc đầu tiên, hoặc đi làm được một khoản thời gian ngắn, chắc chắn một vấn đề bạn sẽ đụng phải là… thiếu tiền.
Để giải quyết vấn đề này, cũng tương tự như bao vấn đề khác, bạn lên google và gõ “Làm sao để luôn có tiền”
Trong vòng 0.5 giây bạn sẽ nhận được 189 triệu kết quả.
Bạn có thấy điều gì giống nhau ở các kết quả này không?
Đúng rồi! (Hi vọng bạn trả lời đúng thật)
Câu trả lời cho từ khoá “làm sao để luôn có tiền” trong tất cả các kết quả trên trang 1 của Google đều nói về việc Làm sao để KIẾM thêm tiền.
Giả định ở đây của “người đời” có vẻ là, nếu bạn muốn có tiền, bạn phải kiếm thêm tiền. Muốn có nhiều hơn? Hãy kiếm nhiều tiền hơn.
Và thế là bạn cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền.
Kiếm tiền có thật sự giúp bạn luôn có tiền?
Không biết bạn đã gặp tình trạng thế này chưa?
Hồi đi làm thêm, bạn kiếm được 3 triệu/ tháng. Bạn sống siêu dè sẻn, thiếu trước thiếu sau. Thầm mong lượng mình tăng chút thì đời đỡ thiếu thốn.
Rồi bạn tốt nghiệp có được công việc đầu tiên. Lương của bạn 7-8 triệu, hơn gấp đôi ngày xưa. Theo lý thuyết lẽ ra bây giờ mỗi tháng bạn phải để được 3 triệu là ít, đúng không nào?
Bằng một cách thần thánh nào đó, cuối tháng bạn vẫn hết tiền. Bạn tự nhủ tại giờ đi làm chính thức, chi tiêu đương nhiên nhiều hơn. Chỉ cần lương tăng một tí, bạn sẽ để được tiền.
Rồi bạn chuyển công ty và lương tăng lên 12 triệu. Giờ thì bạn đã tiết kiệm được 5 triệu một tháng. Sau 12 tháng bạn có được 60 triệu trong tài khoản và từ đó đầu tư và mở rộng kinh doanh riêng để hoàn toàn tự do về mặt tài chính!
Ủa, không phải à?! Tiền vẫn thần kỳ tự nhiên biến mắt hết mỗi tháng và bạn vẫn không có tiền trong túi à…
Làm sao để giải quyết tận gốc vấn đề “không có tiền trong túi”?
Tới đây thì bạn đã rõ Tú muốn nói gì. Nếu bạn đang chờ đợi 69 cách kiếm thêm thu nhập trong bài viết này thì… chắc bạn phải chờ một bài viết khác.
Và dù bạn quyết định click tắt bài viết này và bỏ lỡ giải pháp thật sự giải quyết vấn đề “làm sao có tiền”, Tú cũng tôn trọng quyết định của bạn.
Kiếm thêm thu nhập không phải là không cần thiết, nhưng nó không giải quyết được tận gốc vấn đề. Bạn hình dung thế này:
Bạn kiếm được 10tr, bạn chi một tháng hết 8tr, thì cuối tháng bạn còn 2tr. Đúng không nè?
Bạn kiếm được 10tr, bạn chi hết luôn 10tr, thì bạn không có tiền trong túi.
Cái vấn đề là khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, bạn thường có cảm giác mình kiếm được nhiều hơn, nên cũng chi nhiều hơn.
Hồi xưa kiếm được 5tr mình ăn cơm tấm 25k, giờ kiếm được 10 tr mình ăn bát phở 60k. Khi kiếm được 15tr thì phải thưởng cho bản thân đi ăn beefsteak 150k, à với mua thêm cái máy ảnh nhắm mãi rồi nữa chứ.
Thế là cái gì cũng có chỉ không có tiền ?
Vậy làm sao để luôn có tiền trong túi (100% đảm bảo)?
Câu trả lời thật ra đơn giản hơn bạn nghĩ.
Muốn giải quyết một vấn đề thì bạn phải biết 3 thứ:
Hiện trạng của bạn thế nào?
Bạn muốn kết quả cuối cùng ra sao?
Bạn có thể thay đổi những gì để biến từ hiện trạng thành kết quả mong muốn?
Nhắn nhỏ, “chiêu” này áp dụng được cho gần như “tất cả” những vấn đề bạn cần giải quyết. Thật đó.
Chứng minh luôn bên dưới nè:
Hiện trạng tài chính của bạn thế nào?
Bạn có nhớ phương trình nãy chúng ta nói tới không?
Nếu bạn là một sinh viên mới tốt nghiệp và bắt đầu đi làm , Tú đoán hiện trạng tài chính ra của bạn sẽ trông như thế này:
Bạn đi làm, và có lương. Dù số tiền lương đó là ít, vừa hay nhiều đối với bạn, chúng ta gọi nó là Tiền Bạn Kiếm.
Tiền lương của bạn thường sẽ được trả vào một tài khoản ngân hàng. Bạn có một tấm thẻ ATM (đôi khi thêm một thẻ debit nữa) kết nối với đó. Từ tấm thẻ này bạn có thể rút tiền mặt để tiêu xài, hoặc quẹt quẹt để thanh toán mua sắm, ăn uống, cà phê, và online nữa.
Chúng ta gọi đó là Tiền Bạn Chi.
Cuối mỗi tháng, một trong 3 trường hợp xảy ra:
Một là, bạn xài ít hơn so với lương tháng đó. Số tiền dư ra bạn để luôn trong tài khoản, để tháng sau lỡ có xài quá tay thì vẫn có tháng này “đỡ”. Sang hơn, bạn gửi tiết kiệm số tiền dư này để mua những thứ to hơn như laptop hay một chuyến du lịch.
Hai là, bạn vừa hay xài hết tiền kiếm được. Hết chuyện. Chờ lương tháng sau thôi!
Ba (đáng buồn là), bạn lỡ chẳng may không tránh khỏi được, xài hơi quá nên không đủ tiền tháng này. Nếu hên thì có tiền dư tháng trước bù vào, xui thì đành mượn bạn bè gia đình đỡ vài ngày vài tuần cho qua con trăng. Tháng sau có lương bạn sẽ trả lại mà.
Chúng ta gọi số tiền dư còn lại (dù một số trường hợp thì nó không còn dư đồng nào cả) cuối tháng đó là Tiền Bạn Có.
Như bạn có thể thấy, 2 trong 3 trường hợp, Tiền Bạn Có bằng hoặc bé hơn 0.
Mục tiêu tài chính của bạn
Có thể bạn đang muốn trở thành triệu phú đô la, đi du lịch vòng quanh thế giới, muốn mua gì cũng được không cần nhìn giá nữa, vân vân và mây mây.
Nhưng trong bài viết này, chúng ta hãy đặt ra mục đích cơ bản nhất, đầu tiên nhất mà bạn cần đạt được:
Luôn có tiền trong túi
Để làm gì? Để bạn thấy an tâm về mặt tài chính.
Rằng nếu tháng này bỗng có chuyện đột xuất xảy ra: cái xe tự nhiên hỏng, laptop bỗng nhiên vỡ, tự nhiên có bạn gái và tháng này đúng luôn sinh nhật cô ấy,… Thì bạn có một số tiền dự phòng trong túi chứ không phải ăn mì tôm sau khi mua cái túi xách cho người yêu.
Hoặc nếu không may chủ nhà không cho bạn thuê nhà nữa, hoặc tự nhiên công ty bạn phải giảm biên chế và bạn là một trong số đó (tức là bạn bị đuổi việc ấy, đã nói tránh rồi mà), thì cuộc sống của bạn không quá xáo trộn về mặt tài chính.
Bởi bạn còn có số tiền trong túi để giúp mình trong khoảng thời gian chuyển tiếp hành trình.
Vậy đã biết mục tiêu là “luôn có tiền trong túi rồi”, bước cuối chúng ta cần làm là:
Giải pháp thật sự cho câu hỏi: Làm sao để luôn có tiền?
Có một cách vô cùng đơn giản mà bạn có thể làm ngay lập tức để thay đổi hiện trạng tài chính của mình.
Đó chính là: Tiết kiệm trước, chi tiêu sau.
Bạn có nhớ ở trên, chúng ta bảo là khi mình nhận được tiền lương (hay thu nhập nói chung), chúng ta thường chi tiêu từ trong chính tài khoản đó. Còn bao nhiêu coi như là tiền tiết kiệm?
2 trong 3 trường hợp cái khoản “tiết kiệm” đó không bao giờ xảy ra. Đauuuuuu!
Để giải quyết vấn đề này, đơn giản là khi tiền về tay, hãy trích một khoản ra riêng trước. Rồi mới xài số tiền còn lại.
Vậy là đảm bảo bạn luôn có tiền rồi.
Đây cũng chính là bước một trong quản lý tiền bạc mà gần như tất cả những quyển sách hay nhất về tài chính cá nhân đều nói đến đó. Nghe và làm theo thôi!
Câu hỏi tiếp theo ở đây là:
Bạn nên tiết kiệm bao nhiêu tiền?
Nếu được, hãy để ra tối thiểu 20% số tiền bạn nhận được.
Nghe 20% có thể là nhiều, đặc biệt nếu đây là lần đầu bạn thực hiện. Nhưng sự thật là khi bạn đã bỏ 20% đó qua một bên TRƯỚC rồi, bạn hoàn toàn có khả năng “sống” với 80% thu nhập của mình.
Hãy thực hiện trước rồi xem khả năng ứng biến của mình. Nếu bạn thực sự không thể sống nổi với 80% còn lại, thì bắt đầu với 10% tiết kiệm, chủ yếu để luyện lên thói quen luôn có tiền trong túi cho mình.
Một mẹo để giữ tiền tốt hơn
Bạn có bao giờ lên kế hoạch ăn uống heo-thì (healthy), xong đi ra bếp thấy ly chè thập cẩm ngon lành mẹ mua sẵn cho bạn chưa?
Đi qua một lần còn giữ được bình tĩnh, đi qua lần 2 tim hơi xốn xang. Lần thứ 3 đi qua đã hơi trưa trưa, bụng cũng đoi đói, thế là… không bao giờ có lần thứ 4 nữa (vì ly chè đã biến mất rồi?)
Ý Tú là, ý chí của con người rất có giới hạn. Đừng tự thử thách bản thân.
Tương tự như vậy khi bạn trích 20% ra. Nếu bạn chỉ tự nhủ mình là:
“À hôm nay nhận được lương 10tr. Mình sẽ để dành 2tr như trên bài blog kia mình đọc coi sao. Mình sẽ chỉ xài 8tr thôi!”
Nhưng đến ngày 20 tháng đó, khi 8tr gần hết rồi và bạn thấy cái bộ mỹ phẩm mới đang giảm giá còn 1.2tr, thì xác suất cao 2tr bạn để dành sẽ đi theo ly chè hồi nãy…
Vậy nên, cách tốt nhất là hãy mở một tài khoản tiết kiệm, thẩy luôn 20% vào đó khi nhận lương về.
Việc này có 2 cái lợi:
Một là bạn không còn thấy chúng trong tài khoản chi tiêu nữa. Bạn chỉ thấy 80% còn lại và chi xài trong đó thôi.
Hai là tài khoản tiết kiệm thường có ngày đáo hạn. Và bạn khó rút tiền ra trước ngày đó. Thêm một lớp an toàn cho bạn, và ý chí của bạn.
HÀNH ĐỘNG NGAY NÀO!
Mỗi lần nhận được bất kì tiền gì về tài khoản ngân hàng của mình (thậm chí là tiền mặt), bạn hãy chuyển 20% thu nhập vào một tài khoản tiết kiệm.
Chỉ rút tiền từ tài khoản này khi bạn gặp trường hợp khẩn cấp hoặc đã đạt được mục tiêu tiết kiệm của mình.
Tổng kết
Bạn thấy đơn giản không? Có dễ quá không? Có thất vọng vì thấy đọc cả bài dài không tìm được cách làm giàu nhanh mà cuối cùng nhận được lời khuyên “tiết kiệm đi” không?
Bởi vì sự thật là hiện nay vẫn có rất rất rất nhiều bạn trẻ chưa xây dựng được thói quen tiết kiệm 20% thu nhập của mình NGAY KHI nhận được tiền về.
Và nếu bạn không có thói quen này, khi thu nhập bạn tăng lên 10%, 30% hay 50% hay hơn thế nữa, bạn cũng sẽ mãi KHÔNG CÓ TIỀN mà thôi.
Vậy nên, cho đến khi bạn thật sự hành động, đây vẫn là một bài viết cần thiết với bạn để bước đầu giải quyết câu hỏi “làm sao để luôn có tiền”.
Lần sau, chúng ta sẽ nói về chuyện, Tiết kiệm để làm gì và tại sao bạn chưa tiết kiệm hiệu quả nhé!
Hãy tạo một tài khoản tiết kiệm cho mình và bắt đầu tiết kiệm 20% thu nhập của mình NGAY KHI nhận được tiền về nào.
Nguồn: Internet
Vượt Ngưỡng . Chúc Bạn thành công
Cần được tư vấn về phát triển bản thân , kinh doanh , bảo hiểm, hoạch định tài chính với thông tin chính thống, tận tâm, chuyên nghiệp
Liên hệ: Zalo 0933-126-366 Mr. Trường
- Nội dung sưu tầm , biên tập và tổng hợp